Trong bối cảnh đã đến thời điểm Nga chuẩn bị giao hệ thống phòng không S-400, Thổ Nhĩ Kỳ- quốc gia đang phải đối mặt với một nền kinh tế mong manh - có khả năng sẽ rút khỏi thỏa thuận quan trọng này với Moscow bất chấp những lời hoa mỹ của các quan chức. Vì sao như vậy? Đó được cho là do những áp lực từ Mỹ.
Ankara dự kiến sẽ nhận lô hàng đầu tiên của hệ thống phòng không tinh vi từ Nga vào tháng 7, trong khi Moscow cho biết có thể giao hàng sớm, tức là vào tháng 6 tới. Nhưng theo nhiều nguồn tin, Mỹ đã cho Ankara tối hậu thư 2 tuần để chấm dứt kế hoạch mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga hoặc đối mặt với các hình phạt và mất đi khả năng mua các máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Mặc dù thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Yavuz Selim Kiran bác bỏ những thông tin trên nhưng khả năng Ankara hủy bỏ thỏa thuận với Moscow đang được nói đến nhiều.
Hiện nay, các cuộc đàm phán với Washington về S-400 đang diễn ra ở cấp cao nhất dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Phía Ankara tất nhiên không thể chấp nhận một cuộc khủng hoảng toàn diện với Washington vì những vấn đề to lớn mà nó phải đối mặt trong nền kinh tế và cả vấn đề Syria. Trong khi đó, Mỹ lo ngại các tên lửa S-400 khi đặt trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ có thể lấy được thông tin tình báo có giá trị trên các hệ thống kỹ thuật của máy bay phản lực F-35 do Mỹ sản xuất mà Ankara cũng đặt mua; và thậm chí đe dọa an ninh của NATO.
Trước áp lực gia tăng từng ngày từ Mỹ, nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quay trở lại với thỏa thuận F-35, vì một bước đi như vậy phù hợp hơn với các mối quan tâm và nhu cầu an ninh quốc gia của nước này. Ngoài ra, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang ở trong tình trạng khó khăn và cần sự thiện chí và hỗ trợ của Mỹ, bao gồm cả tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) - tổ chức tài chính mà Mỹ có cổ phần lớn. Thậm chí, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải đến IMF sau cuộc bầu cử thị trưởng Istanbul vào ngày 23-6 tới. Thực tế là nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang nợ nần, lạm phát, thất nghiệp và suy thoái kinh tế cao. Đất nước này cần khoảng 200 tỷ USD, trong đó gần 180 tỷ USD là các khoản vay đến hạn, để điều hành nền kinh tế ốm yếu trong vòng 12 tháng tới.
Nhưng vẫn còn đó nhiều lạc quan, nhất là khi Tổng thống Erdogan cho đến nay lại một lần nữa loại trừ bất kỳ bước lùi nào từ thỏa thuận S-400, nhấn mạnh rằng, đó là một “thỏa thuận cần được thực hiện”. Ông Erdogan nói thêm rằng, Ankara và Moscow cũng đang lên kế hoạch cùng sản xuất hệ thống S-500 nâng cấp. Một kịch bản khác nữa được đưa ra là Thổ Nhĩ Kỳ có thể bán lại S-400 đến một nước thứ ba hoặc trì hoãn việc giao hàng để tránh đối đầu với Mỹ.
THANH VĂN